Noi theo gương Đức cố Giáo hoàng yêu mến Đức Mẹ

Noi theo gương Đức cố Giáo hoàng yêu mến Đức Mẹ

 
Noi theo gương Đức cố Giáo hoàng yêu mến Đức Mẹ

TGPSG -- Tháng 5, tháng kính Đức Mẹ đã về trên quê hương Việt Nam. Lòng yêu mến Đức Mẹ của con cái tín hữu được diễn tả qua những giờ kinh nguyện, những buổi dâng hoa, những chuyến hành hương Đức Mẹ. Nhưng năm nay, tháng 5 trong những ngày Giáo hội đang cầu nguyện cho vị Giáo hoàng khả kính vừa chia tay chúng ta về nhà Cha. Trong niềm tin, chúng ta hẹn gặp ngài trên thiên đàng. Ngài đã để lại những di sản đức tin quý giá. Xin dừng lại, nhìn cuộc đời ngài về lòng yêu mến Đức Mẹ.

Thật vậy, Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô thể hiện lòng yêu mến Đức Mẹ rất tự nhiên, bình dị như chính cuộc đời khiêm tốn của ngài. Trong 12 năm giáo hoàng, nơi ngài thường lui tới cầu nguyện là Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma, đứng trước ảnh Đức Maria Salus Populi Romani.

Ngay cả trước khi được bầu chọn làm chủ chăn Giáo hội, ngài cũng đến đó. Đức Giáo Hoàng nói với một phóng viên "Khi tôi ở Rôma, tôi luôn đến đó vào sáng Chúa Nhật; tôi đã dành một chút thời gian ở đó"

Có thể nói, trong 12 năm Giáo Hoàng của Đức Phanxicô. Hình ảnh rất quen thuộc trên truyền thông Vatican là hình ảnh ngài cầu nguyện với Đức Mẹ. Có khi ngài mang theo một bó hoa để dâng lên trước ảnh Mẹ. Bình thường, ngài đến với Đức Mẹ trước và sau các chuyến tông du, hay một sự kiện nào đó trong Giáo Hội. Người ta tính được có tất cả 126 lần Đức Giáo hoàng đến linh ảnh Đức Maria Salus Populi Romania cầu nguyện.

Thế giới không thể quên được buổi chiều ngày 27-03-2020 trước sự tấn công của đại dịch Covid 19. Nơi quảng trường Thánh Phêrô vắng lặng, không có một người, vị Cha chung của chúng ta đã cầu nguyện, lúc đó có Thánh giá, linh ảnh Đức Mẹ Salus Populi Romani.

Sau cùng, Đức Giáo Hoàng được an táng trong Đền thờ Đức Bà Cả, thân xác ngài được gởi gắm bên Đức Mẹ chờ ngày sống lại. Đây là chuyến đi cuối cùng của ngài đến với Mẹ và ở lại luôn đó. Như thế, cuộc đời Đức Giáo Hoàng như được Đức Mẹ ôm ấp vào trong vòng tay từ mẫu.

Theo gương Đức cố Giáo hoàng, chúng ta cũng trao phó toàn bộ cuộc đời mình cho Mẹ Maria. Lời kinh Kính Mừng chúng ta vẫn đọc hằng ngày: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Khi nay là hiện tại, với những biến cố đi qua cuộc đời mình, buồn vui, những khó khăn thử thách, có cám dỗ và vấp ngã, cuối cùng là giờ chết của chúng ta cũng có Mẹ.

Cuộc đời tín hữu chúng ta phải là như thế, lúc nào cũng có Mẹ Maria cho đến khi kết thúc cuộc đời.

Một cách cụ thể, sống gần gũi với Mẹ Maria là ý thức mình chỉ là đứa con bé nhỏ, tội lỗi, cần được Mẹ sửa dạy, sống chân thành, không cầu kỳ, màu mẻ, nghĩ gì có thể nói với Mẹ.

Giờ đây, nơi phần mộ của Đức cố Giáo hoàng chúng ta học được sự khiêm tốn, mình “trắng tay” không có gì, cũng không mang theo gì, không còn chức tước, của cải. Chỉ một chữ nơi phần mộ “Phanxicô”

 Dường như người con chỉ cần sống với mẹ mình như thế là đủ. Con có là ông này bà nọ, có chức vụ gì, già nhăn nheo khuôn mặt, mái tóc bạc trắng thì với mẹ, con mãi mãi là đứa con bé bỏng, cần được vỗ về. Đến với mẹ, và chỉ có nơi chốn có mẹ, người con mới cảm thấy được bình an và hạnh phúc.

Suốt cuộc đời và nhất là trong tháng 5, người tín hữu khắp nơi đến cầu nguyện với Mẹ Maria. Chúng ta cũng đến trong tâm tình của người con, sống tình con thảo với mẹ hiền, tâm sự, chia sẻ với Mẹ về cuộc đời của mình và cũng biết lắng những nghe lời Mẹ chỉ dạy.

Như Đức cố Giáo hoàng, chúng ta cầu nguyện với Mẹ Maria những khi cuộc sống gặp phải khó khăn, những biến cố, những lo lắng mà chúng ta không tìm thấy “chia khóa” mở ra được. Đó là những vấn đề của bản thân, đau bệnh, những vất vả lo toan, những vấn đề của gia đình, như công ăn việc làm, việc dạy dỗ con cái về đức tin.

Đến với Mẹ chúng ta sẽ an tâm. Mẹ Maria sẽ cầu nguyện với Chúa cho chúng ta và chắn chắn, Chúa không bỏ quên một ai. Vì cuộc đời của Mẹ Maria luôn bước đi trong thánh ý Thiên Chúa qua lời thưa “xin vâng”. Cho nên, nếu chúng ta đến với Mẹ Maria, chúng ta sẽ được chỉ dạy đến với Chúa Giêsu.

Hơn thế nữa, chúng ta biết rằng, qua việc đến với Mẹ, chúng ta sẽ học bài học sống đơn sơ phó thác. Vì lòng yêu mến Đức Mẹ chân thành sẽ đưa chúng ta đến với Chúa, chứ không thể đi xa đường lạc lối bỏ Chúa được.

Vì thế, Đức cố Giáo hoàng luôn tin tưởng vào lời chuyển cầu của Đức Mẹ trước tòa Chúa. Ngài đến bức ảnh được xem là linh thiêng, bức ảnh chứng tỏ sự can thiệp gìn giữ của Mẹ Maria với dân thành Rôma.

Cũng nên biết sơ qua về bức ảnh Đức Mẹ Phần Rỗi của Dân Thành Roma (Salus Populi Romani).

 Theo các nhà nghiên cứu: bức ảnh có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 5–6, thuộc phong cách nghệ thuật Byzantine. Trong nhiều thế kỷ, bức ảnh đã được rước kiệu qua các con đường ở Rôma vào thời điểm dịch bệnh, chiến tranh và thiên tai, như một lời kêu xin Đức Mẹ cứu giúp dân thành. Tên gọi “Phần Rỗi của Dân Thành Roma” bắt nguồn từ những lần can thiệp được cho là nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, giúp thành phố tránh khỏi tai ương.

Bức ảnh trang nghiêm, biểu cảm tĩnh lặng nhưng đầy uy nghi. Đức Mẹ được thể hiện với khuôn mặt tròn, đôi mắt to sâu thẳm, mặc áo choàng xanh thẫm, đầu đội vương miện. Trên tay Mẹ là Chúa Hài Nhi Giêsu, đang cầm một quyển sách - biểu tượng của Lời Chúa. Hai khuôn mặt Mẹ và Con đầy vẻ nhân từ và an ủi, như thể đang nhìn thẳng vào từng tín hữu đang cầu nguyện.

Điểm đặc biệt là ánh mắt Đức Mẹ không đắm đuối vào Hài Nhi, mà hướng ra ngoài - như muốn nói rằng. Mẹ luôn để mắt đến từng người con của mình.

Bức ảnh cũng thường được rước kiệu trong các buổi lễ trọng đại, nhất là trong những dịp cầu xin lòng thương xót và bình an cho thế giới.

Bức ảnh đó không chỉ là một hình ảnh nghệ thuật cổ xưa, mà còn là một biểu tượng thần học sâu sắc về vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu độ. Tên gọi “Phần Rỗi” không nhằm thay thế vai trò của Đức Kitô - Đấng Cứu Độ duy nhất - nhưng tôn vinh Đức Mẹ như là Đấng cầu thay, người Mẹ đầy quyền năng luôn chăm sóc đàn con yếu đuối.

Hiện nay bức ảnh đang được lưu giữ và tôn kính tại nhà nguyện Borghese, trong Vương cung thánh đường Đức Bà Cả (Santa Maria Maggiore). Các vị Giáo Hoàng cũng có thói quen đến cầu nguyện với linh ảnh này.

Trong những ngày này, Giáo Hội đang chờ đợi một vị Giáo hoàng mới sẽ hướng dẫn cộng đồng dân Chúa. Chúng ta lại thấy khẩn thiết cầu nguyện với Mẹ Maria. Đây là tình hình rất quan trọng của Giáo hội, không phải là Giáo hội mất đi người đứng đầu trở nên xáo trộn, nhưng là dừng lại, thinh lặng, cầu nguyện chờ mong với niềm tin tưởng, Chúa không bao giờ bỏ rơi Giáo Hội. Giáo hội không bao giờ bị “mồ côi”, bởi Giáo hội là của Chúa, luôn đi trong kế hoạch của Thiên Chúa dẫn dắt. Đây là thời điểm chúng ta cảm nghiệm sâu xa hơn về mầu nhiệm Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập trên nền tảng các thánh Tông đồ và Thánh Phêrô được đặt làm trưởng- tiếp tục cho đến nay là Đức Giáo Hoàng.

Điều chắc chắn là Đức Mẹ sẽ lắng nghe những tâm tình, nguyện ước của chúng ta và cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta. Chúng ta tin như lời Chúa Giêsu dạy “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho (Lc 11, 9)

Xin Chúa cho chúng ta có lòng yêu mến Đức Mẹ như Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô, để cuộc sống chúng ta là hành trình của tin yêu và hy vọng, bước đi theo thánh ý Chúa cho đến hết cuộc đời.

 Martinô Lê Hoàng Vũ (TGPSG)

(Bài viết có sử dụng tư liệu của Vatican News)

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.